Tiêu điểm

Trường đại học Lạc Hồng: Những đề tài "made in" sinh viên...

 

Hệ thống máy kiểm tra và xếp vĩ sản phẩm linh kiện SU do khoa cơ điện chế tạo, đã được chuyển giao cho Công ty Nec - Tokin (KCN Long Bình).
 
* Khơi nguồn ý tưởng
 
Trường đại học Lạc Hồng ra đời từ năm 1997 nhưng phải mất gần 5 năm thì ý tưởng về một sân chơi thu hút sinh viên tập trung vào nghiên cứu khoa học mới được hình thành. Nhưng không hẳn ý tưởng này ban đầu đã được đón nhận bởi nhiều e ngại: đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng, kinh phí và điều kiện phòng thí nghiệm, nghiên cứu mà quan trọng nhất là chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp. TS.Trần Hành, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Khó nhưng phải làm bởi đây là mũi đột phá để nhà trường hướng sinh viên vào các hoạt động nghiên cứu nhằm nâng chất lượng đào tạo. Muốn nghiên cứu khoa học, sinh viên phải tiếp cận thực tế, tìm các giải pháp đáp ứng yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất và cuộc sống. Có như thế mới giải quyết được vấn đề: tạo môi trường cho sinh viên cọ xát, đưa sinh viên tiếp cận thực tế nhiều hơn nhằm tìm việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp - vốn là bài toán khó cho các trường ngoài công lập".
 
 Đó cũng là lúc trường phát động phong trào "bốn thật": dạy thật - học thật - thi thật - làm thật, được xem là cuộc cách mạng với phương châm "Học để có nghề và làm việc". Đồng thời, trường tiến hành xây dựng các "chuẩn": đầu ra, đầu vào, chương trình, phương pháp đào tạo - đánh giá, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất... Đó cũng là lúc trường bắt tay với các doanh nghiệp, kêu gọi trách nhiệm của doanh nghiệp cùng đồng hành, hỗ trợ nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, tiếp cận thực tế nhằm mục tiêu: sản phẩm "made in" Lạc Hồng phải được thị trường lao động chấp nhận. 
 
* Tiền tỷ từ những công trình "made in" sinh viên
 
Gần 400 đề tài từ 8 hội nghị nghiên cứu khoa học trong những năm qua cho thấy rất rõ Trường đại học Lạc Hồng đã lấy công nghệ thông tin và tự động hóa làm thương hiệu cho trường. Những đề tài nghiên cứu đầu tiên của sinh viên như: xây dựng mô hình văn phòng điện tử, máy nhập điểm tự động, máy chấm thi trắc nghiệm... được áp dụng thử nghiệm ngay tại trường không chỉ phục vụ cho công tác quản lý giáo vụ mà còn mang lại hiệu quả thiết thực với phong trào "bốn thật" mà trường phát động. Những phần mềm này đã được chuyển giao cho các trường khác như: Trường đại học thể dục thể thao Trung ương 2, Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường cao đẳng kỹ thuật Bình Dương... TS. Trần Hành cho biết, giá trị từ những bản hợp đồng chuyển giao công nghệ được nhà trường dành để đầu tư kinh phí cho sinh viên nghiên cứu với định mức từ 300 - 400 triệu đồng/năm.  
 
Tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu khoa học, những đề tài có tính ứng dụng cao đã lần lượt ra đời và chuyển giao như: phần mềm quản lý bán hàng cho siêu thị miễn thuế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), phần mềm E-Order cho Công ty Cội Nguồn. Đặc biệt, từ đề tài nghiên cứu tự động hóa "Hệ thống kiểm tra linh kiện và đóng gói", Trường đại học Lạc Hồng đã chuyển giao hệ thống máy kiểm tra và xếp vĩ sản phẩm linh kiện SU do sinh viên khoa cơ điện chế tạo cho Công ty Nec-Tokin (KCN Long Bình); phần mềm quản lý IT của sinh viên Nguyễn Thị Mai Trinh được ứng dụng tại Công ty Fujitsu, công nghệ sản xuất cúc áo từ vỏ sò được ứng dụng tại Công ty Italia; đề tài nghiên cứu "sơn Epoxy không dung môi" của sinh viên Nguyễn Thanh Hải được ứng dụng tại Công ty sơn Đồng Nai... Chính từ các sản phẩm này, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến, lắng nghe, lựa chọn và quyết định ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, tuyển dụng sinh viên ngay tại các hội nghị nghiên cứu khoa học của trường. 
 
Ngay tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, Trường đại học Lạc Hồng đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, cung ứng lao động với 23 doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý là Sở Khoa học - công nghệ Quảng Trị tiếp nhận rất nhiều đề tài, sản phẩm của sinh viên với trị giá trên 10 tỷ đồng. Đề tài xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác khám chữa bệnh ngoại trú cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trị giá 1,168 tỷ đồng. Một hợp đồng trị giá 56.000 USD cho việc xây dựng và chuyển giao phần mềm Fast Accounting đã được trường ký với Công ty cổ phần phần mềm quản lý doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhiều đề tài khác như: nghiên cứu máy uốn thép cho doanh nghiệp Thuận Hòa, nghiên cứu sản xuất gà ragu đóng hộp tại Công ty Vissan, nghiên cứu khắc phục một số nhược điểm trong quy trình sản xuất rượu bưởi ở Vĩnh Cửu... đã được các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đặt hàng, đề nghị chuyển giao công nghệ.
Bao ĐN

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        33,647,775       5/955