Những năm sau ngày đất nước thống nhất, cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT, nhất là các trường, lớp học đều thiếu thốn. Đến năm 1994, toàn tỉnh còn đến trên 1 ngàn lớp học ca ba, hàng chục ngôi trường tranh tre, nứa lá xuống cấp nghiêm trọng.
Đó cũng là năm nhà giáo Đỗ Hữu Tài bắt đầu giữ cương vị Phó giám đốc Sở GD-ĐT. Trăn trở trước thực trạng này, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, thầy đã bắt tay vào xây dựng dự án xóa trường, lớp học tạm bợ, kiên cố hóa toàn bộ trường, lớp học trong toàn tỉnh, xóa lớp học ca ba.
* Những “ngôi trường thầy Tài”
Làm dự án xây dựng cơ bản, sợ nhất là vấn đề thủ tục nhiêu khê, có khi đợi hoàn tất thì kinh phí xây dựng đã đội giá lên gấp mấy lần. Vì vậy, thầy luôn chủ động và linh hoạt, nhiều khi phải “liều” đề nghị đơn vị thi công ứng vốn làm trước, rồi làm thủ tục thanh toán sau. Nhờ vậy mà chương trình kiên cố hóa trường lớp không chỉ thực hiện vượt chỉ tiêu, tiến độ mà vẫn tuân thủ đúng quy định. Đến năm 2008, toàn tỉnh đã cơ bản xóa được trường lớp tạm, nhiều ngôi trường khang trang, đạt chuẩn quốc gia đã mọc lên ở những khu vực khó khăn, vùng đồng bào nghèo, như các trường: THPT Huỳnh Văn Nghệ, THPT Trị An (huyện Vĩnh Cửu), THCS Cẩm Đường (huyện Long Thành), THPT Điểu Cải (huyện Định Quán), TH Nam Cát Tiên… Những ngôi trường được xây dựng từ chương trình kiên cố hóa ấy đã được bà con địa phương trìu mến gọi là “trường thầy Tài”.
Nhà giáo nhân dân-Tiến sĩ Đỗ Hữu Tài đang trao bằng khen cho sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng. |
Không chỉ xóa được trường lớp tạm, các trường trên địa bàn còn được chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại để dạy và học. Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong lĩnh vực đưa công nghệ thông tin ứng dụng trong giảng dạy, tin học hóa từ quản lý đến giảng dạy, trong đó có không ít đóng góp của thầy Đỗ Hữu Tài.
* Góp phần đào tạo nguồn nhân lực
Năm 2008, thầy về hưu theo quy định. Nhưng thay vì nghỉ ngơi sau 38 năm cống hiến cho ngành, thầy lại tiếp tục có những đóng góp mới ở vai trò mới: Chủ tịch HĐQT, Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng - ngôi trường Đại học đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là ngôi trường với biết bao tâm huyết, công sức của thầy trong vai trò sáng lập, với mong muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của tỉnh và khu vực.
“Nghề giáo đã mang đến cho tôi nhiều danh vị trong xã hội, vì vậy tôi luôn tâm niệm phải “trả nợ” cho đời, cho nghề”, nhà giáo Đỗ Hữu Tài tâm sự. |
Cùng với HĐQT, Ban Giám hiệu, thầy đã tập trung xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên, hướng đến gắn liền đào tạo với thực tiễn tại các doanh nghiệp… 3 năm liền từ năm 2010 đến 2012, đội Robocon của trường đều đoạt giải vô địch toàn quốc, 2 lần Á quân tại cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương tại Ai Cập và HongKong đã đưa cái tên Lạc Hồng không chỉ vang danh trong cả nước mà còn bay xa trong cả khu vực. Những năm gần đây, nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất, được các doanh nghiệp, như: Nectokin, Sanko Mold đánh giá cao và đặt hàng.
Thanh Thúy
NGND, Đỗ Hữu Tài, người thầy