So với phương pháp học tập thì phương pháp giảng dạy cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đến quá trình cũng như kết quả học tập của các bạn sinh viên
Ngành luật kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng pháp luật để tạo điều kiện cho sự phát triển về xã hội, Kinh tế ngày càng vững mạnh, điều này đòi hỏi mỗi cử nhân Luật kinh tế phải được trang bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng nhất định khi bước vào thị trường lao động. Nhận ra được tầm quan trọng đó, các giảng viên ngành Luật kinh tế trường Đại Học Lạc Hồng luôn thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền tải kiến thức giúp các bạn sinh viên có hứng thú hơn và nắm giữ yếu tố cốt lõi, từ đó các bạn biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn như thế nào.
Hãy để Câu lạc bộ Luật Kinh tế chia sẻ một số phương pháp dạy hiệu quả đã và đang được các giảng viên lựa chọn để giảng dạy tại Đại Học Lạc Hồng nhé!
PHƯƠNG PHÁP 1: Giảng dạy thông qua tình huống
Đối với các môn học mang tính trừu tượng như Hình sự thì thay vì giảng lý thuyết cho sinh viên, giảng viên có thể kết hợp với sinh viên để đặt ra tình huống, câu chuyện từ thực tế và những vụ án thực tế đã được xét xử hoặc đang trong quá trình xét xử để từ đó sinh viên sẽ phân tích, thảo luận, cùng tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất. Giảng viên luôn tôn trọng ý kiến, cách giải quyết cũng như góc nhìn pháp lý riêng biệt của mỗi bạn sinh viên, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các bạn có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến môn học. Sự đa dạng của các tình huống sẽ khuyến khích sinh viên phát huy tính chủ động, sáng tạo và đem đến sự thoải mái về mặt tinh thần, giúp cho sinh viên có thể tiếp thu nội dung bài học một cách dễ dàng, sâu và nhớ lâu hơn.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên phân tích tình huống
PHƯƠNG PHÁP 2: Phương pháp dạy dựa trên vấn đề
Thông thường phương pháp đặt vấn đề sẽ được các thầy cô áp dụng đối với các môn học có hàm lượng kiến thức chuyên môn nhiều, dễ gây nhầm lẫn giữa các nội dung với nhau và sinh viên ít có cơ hội được tiếp cận môn học trên thực tế ví dụ như Pháp luật về thuế, Luật Kinh doanh bất động sản,... Sinh viên được đặt trong một tình huống chứa đựng mâu thuẫn và các vấn đề còn tồn tại trong tình huống. Nhiệm vụ của sinh viên chính là sử dụng tư duy logic cộng với các kiến thức đã được học để tìm kiếm các vấn đề tồn tại trong tình huống và giải quyết các vấn đề đó để phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành. Đối với phương pháp trên giảng viên đóng vai trò là người giám sát quá trình trao đổi của sinh viên, hỗ trợ sinh viên đúc kết được vấn đề, giúp sinh viên tăng kĩ năng hoạt động nhóm, chủ động trong việc tìm kiếm và xử lý thông tin. Phương pháp này giúp sinh viên chủ động làm việc trên vấn đề được đặt ra.
PHƯƠNG PHÁP 3: Phương pháp dạy học theo nhóm
Trường Đại học Lạc Hồng luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất nhằm giúp cho sinh viên có một môi trường học tập hiệu quả nhất. Nhà trường đã có trang bị các phòng học nhóm tại các cơ sở của trường để phục vụ cho việc học tập cũng như giảng dạy của giảng viên và sinh viên có thể đạt hiệu quả tốt nhất.
Sinh viên được chia nhóm thảo luận các môn chuyên ngành
Giảng viên tổ chức, chia sinh viên thành từng nhóm nhỏ để sinh viên cùng thảo luận, trao đổi ý kiến, giải quyết vấn đề được đặt ra dưới sự tổ chức hướng dẫn của thầy cô. Hầu hết các giảng viên đều sử dụng phương pháp này vì nó mang lại hiệu quả cao cũng như giúp cho sinh viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Với phương pháp này, đa số sinh viên sẽ chủ động hợp tác với giảng viên, tự khám phá, tìm tòi cách giải quyết vấn đề qua đó giúp sinh viên có thể duy trì được tính chủ động, tích cực trong suốt quá trình hoạt động theo nhóm.
PHƯƠNG PHÁP 4: Phương pháp thuyết giảng
Thuyết giảng là một phương pháp truyền thống trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhưng mang lại hiệu quả rất cao và ngày nay vẫn được rất nhiều trường chọn làm phương pháp giảng dạy chính. Đối với ngành Luật kinh tế phương pháp này cũng là một trong những phương pháp không thể thiếu. Khi giảng dạy các môn lý luận chung đòi hỏi giảng viên phải sử dụng phương pháp diễn giải nhằm giúp sinh viên tiếp cận dễ dàng hơn với kiến thức nền tảng để có thể học tốt các môn chuyên ngành. Giảng viên sử dụng lời nói sinh động cùng với các phương tiện kỹ thuật thông tin, nghe - nhìn như máy tính, các phần mềm hỗ trợ để trình bày tài liệu học tập, nội dung môn học một cách có hệ thống. Nhà trường cũng đã trang bị hệ thống máy chiếu, tivi, âm thanh,... hiện đại nhằm phục cho việc học tập cũng như giảng dạy hiệu quả hơn. Phương pháp này cung cấp cho sinh viên những kiến thức được cấu trúc theo luật liên kết có sẵn giúp sinh viên có thể tiếp cận kiến thức đã được giảng viên truyền tải một cách hiệu quả.
PHƯƠNG PHÁP 5: Phương Pháp dạy phát huy tính sáng tạo, độc lập của sinh viên
Đối với môn Kỹ thuật soạn thảo hợp đồng thương mại do cô Huỳnh Thị Như Hiếu giảng dạy, cô luôn chú trọng, hỗ trợ sinh viên phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo thông qua việc khuyến khích sinh viên tự trình bày quan điểm, sáng tạo thông qua các điều khoản trong hợp đồng. Giảng viên sẽ chú trọng, tạo điều kiện cho sinh viên được thảo luận, trình bày quan điểm tư duy của mình về các vấn đề liên quan đến bài học và nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực Luật kinh tế. Phương pháp này giúp cho quá trình giảng dạy hiệu quả hơn và giúp sinh viên có thể phát huy khả năng tự học một cách tốt nhất.
Với các phương pháp dạy trên sẽ phần nào giúp sinh viên nói chung và sinh viên đại học Lạc Hồng nói riêng có thể dễ dàng nắm bắt và tiếp thu những kiến thức một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất thông qua việc chủ động giải quyết các vấn đề mà giảng viên đặt ra. Quan trọng hơn hết là các bạn sinh viên phải tự rèn luyện, tự học, chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức, và giảng viên luôn đồng hành cùng bạn, giúp bạn khai phá kiến thức và khả năng bên trong mỗi người.
luật, kinh tế, quản trị, sinh viên