Tin tức

Kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1.5 (1.5.1886 – 1.5.2013)

Thế kỷ XVII, cách mạng công nghiệp đã diễn ra ở Anh và nhiều nước tư bản chủ nghĩa khác ở châu Âu. Trên vũ đài chính trị, giai cấp vô sản và giai cấp tư sản có quyền lợi hoàn toàn đối lập nhau. Giai cấp vô sản bị áp bức bóc lột tàn nhẫn nên ngay từ khi ra đời đã chống lại giai cấp tư sản một cách quyết liệt. Phong trào đấu tranh lúc đầu còn lẻ tẻ, nặng về kinh tế, sau đó diễn ra trên các lĩnh vực tư tưởng và chính trị, mang tính chất quốc tế. Năm 1848, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác – Ăngghen đã kêu gọi “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại” và thành lập tổ chức Liên minh những người cộng sản. Ngày 1.5.1886, tại Chi-ca-gô (Mỹ) đã nổ ra một cuộc đình công của giai cấp công nhân với những lời kêu gọi: “Từ nay trở đi không người công nhân nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày”. Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi và 8 giờ học tập.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngay trong ngày 1 tháng 5 đã có 8.000 cuộc bãi công của công nhân với khoảng 340.000 người tham gia ở khắp nước Mỹ, sau đó 12 vạn rưỡi công nhân đã giành được quyền ngày làm việc 8 giờ.

Ngày 11.5.1889, Đại hội thành lập Quốc tế II tổ chức tại Pa-ris (Pháp) đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1.5.1886 làm ngày đoàn kết quốc tế và biểu dương lực lượng chiến đấu của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1.5 trở thành Ngày truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, gọi tắt là Ngày Quốc tế Lao động.

Ra đời muộn so với giai cấp công nhân thế giới (từ công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp), giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ khi ra đời đã có tinh thần cách mạng triệt để, tính tổ chức và tính kỷ luật cao, đoàn kết thống nhất. Ngay từ khi chưa có Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã tự phát đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do, chống lại những thủ đoạn lường gạt và hành động áp bức bót lột của bọn tư bản thực dân thống trị.

Cuộc đấu tranh mở đầu cho giai đoạn đấu tranh có tổ chức, tiến dần đến đấu tranh tự giác và mang tính chất quốc tế sâu sắc là cuộc đấu tranh của công nhân hãng Ba Son (Sài Gòn) vào tháng 8 năm 1925, tổ chức bãi công để giam chân chiến hạm Mi-sơ-lơ của Pháp, không cho chúng chở binh lính sang đàn áp cách mạng Trung Quốc.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào công nhân nước ta. Từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam đã có bộ tham mưu chân chính của mình, lãnh đạo toàn thể dân tộc đấu tranh giành độc lập tư do cho Tổ quốc.

Từ khi có Đảng, giai cấp công nhân nước ta không ngừng lớn mạnh. Ngày 1.5.1930, Đảng đã lãnh đạo và tổ chức cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại Vinh, Bến Thủy và các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương (Nghệ An), đoàn biểu tình giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm; thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc biểu tình này làm nhiều người chết và bị thương. Cũng trong ngày 1.5.1930 ở Hòn Gai (Quảng Ninh), nơi tập trung đông đảo công nhân mỏ, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm được cắm trên đỉnh núi Bài Thơ gây một tiếng vang lớn làm khiếp vía kẻ thù. Sau năm 1930, cứ đến ngày 1.5, những cuộc đấu tranh lớn của giai cấp công nhân lại liên tiếp nổ ra ở các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ suốt từ Bắc chí Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 29.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định công nhân được hưởng ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1.5. Ngày 1.5.1946, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở nước ta lần đầu tiên dưới chính thể cộng hòa dân chủ được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 20 vạn công nhân và đồng bào lao động Thủ đô. Từ đó đến nay, cứ đến ngày Quốc tế Lao động 1.5 là công nhân và lao động nước ta lại tổ chức kỷ niệm bằng nhiều hình thức phong phú, có ý nghĩa sâu sắc.

Hơn một trăm năm qua, ngày 1.5 đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Ngày hội đấu tranh đòi quyền sống tự do, bình đẳng, chống bóc lột, chống lại chế độ thống trị tư bản chủ nghĩa. Ngày Quốc tế Lao động 1.5 đã đi vào lịch sử nhân loại, lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới vì một tương lai hòa bình và tiến bộ xã hội.

Ngày Quốc tế Lao động ở một số nước trên thế giới

Tại Đức

Người Đức chọn Ngày lao động quốc tế vào 1/5. Tất cả công nhân, người lao động đều được nghỉ trong dịp này. Theo truyền thống, mọi người thường cài một bông hoa cẩm chướng đỏ trên ve áo. Thói quen này bắt nguồn từ cuộc biểu tình ngày 1/5/1890, hôm đó những người tham gia đoàn diễu hành đã dùng hoa cẩm chướng đỏ làm dấu hiệu để nhận ra nhau.

Tại Australia

Tại xứ sở của những chú Kanguru, ngày Quốc tế Lao động thay đổi theo từng vùng. Vào ngày 1/5, chỉ một số Nghiệp đoàn của Đảng Xã hội và Cộng sản tổ chức kỷ niệm trọng thể cho công nhân và người lao động. Nhưng ở miền tây, người dân lại lấy ngày 4/3 để nghỉ ngơi, vui chơi. Còn vùng Queensland và miền bắc lại chọn ngày 6/5. Thủ phủ Canberra, thành phố lớn Sydney và miền nam Australia thì lấy ngày 7/10.

Tại Canada

Người dân Quebec tổ chức mit-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động vào ngày 29/4 hằng năm. Hàng ngàn người tuần hành trên đại lộ Viau, sau đó đổ về công viên Maisonneuve nghe đọc diễn văn và xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Tại Mỹ

Tháng 1/1884, tại thành phố công nghiệp Chicago, Đại hội liên đoàn Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “…Từ ngày 1/5/1886, thời gian làm việc của công nhân sẽ là 8h/ngày”. Vì lẽ đó mà 1/5 được chọn là Ngày quốc tế lao động của Mỹ. Hằng năm cứ vào ngày này, hợp đồng mới giữa chủ và công nhân lại được ký kết. Người dân trên toàn nước Mỹ thường tổ chức diễu hành qui mô lớn.

Tại Hà Lan

Vào ngày 1/5, người dân ở bang Fribourg, một bang nhỏ của Hà lan lại tổ chức ca hát, chia bánh kẹo và thưởng tiền lẻ cho trẻ với quan niệm đó là ngày đầu tiên của mùa xuân nên làm như vậy sẽ đem lại may mắn cho cả năm. Thông thường, người Hà Lan vẫn làm việc vào 1/5, chỉ một số công ty và tổ chức nước ngoài cho phép nhân viên được nghỉ.

Đoàn - Hội SV Trường

Chương trình, đoàn hội, đoàn thanh niên, hội sinh viên, tình nguyện


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        14,415,868       3/871