Giải thưởng “Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là cơ quan thường trực tổ chức Hội thi. Hội thi nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ThS. Phạm Văn Toản (hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) cùng tập thể sư phạm Khoa CĐ-ĐT vinh dự trong nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học danh giá
Cuộc thi được phát động từ giữa năm 2012, đến tháng 11/2013, BTC đã thành lập Hội đồng BGK và mất 1 tháng làm việc tích cực để đánh giá và tuyển chọn các giải pháp vào vòng chung khảo. Đại học Lạc Hồng tham dự đề tài "Thiết kế và chế tạo máy lắp ráp HEAD BASE WH - PP" và lọt vào danh sách 88 giải pháp có mặt tại vòng chung khảo (trong tổng số 552 giải pháp dự thi) . Nhóm tác giả Phạm Văn Toản (Phó trưởng Khoa CĐ-ĐT) cùng 3 sinh viên là Bùi Ngọc Đức, Hoàng Văn Tới và Nguyễn Văn Trung đã mang về giải Khuyến khích cho nhà trường. Trước đó đề tài đã được chuyển giao và ứng dụng tại công ty Plus Việt Nam.
Tổng thể cơ khí gồm các cụm lắp ráp được gia công trên thực tế và trình tự hoạt động của máy lắp ráp HEAD BASE WH-PP
Là một trong những hội thi thúc đẩy vai trò sáng tạo nghiên cứu ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống, với quy mô mang tầm quốc gia. Mỗi giải pháp đoạt giải phải trải qua nhiều vòng trắc lọc, đánh giá về nhiều khía cạnh như: thể hiện rõ nét tầm ứng dụng vào thực tiễn, thể hiện tính mới, tính sáng tạo. Từ đó phải chứng minh được khả năng áp dụng thực tiễn thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất thử... Quy mô để đánh giá giải thưởng còn được BTC căn cứ vào hiệu quả kinh tế của giải pháp dự thi là lợi ích trực tiếp có thể thu được khi áp dụng giải pháp mới vào sản xuất. Hiệu quả kỹ thuật thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với kỹ thuật đã biết trước đó. Cạnh đó là xét về hiệu quả xã hội như cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Đối với Đại học Lạc Hồng, trường ngoài công lập luôn phấn đấu để góp mặt cùng các trường đại học có tên tuổi trong làng công nghệ tại các cuộc thi sáng tạo khoa học, ĐH Lạc Hồng luôn quan niệm nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường đại học. Gắn với công tác giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học không chỉ là phong trào mà phải trở thành một chức năng quan trọng và là việc làm thường xuyên. Giải thưởng tại hội thi là một khen tặng, khích lệ tập thể sư phạm đặt mục tiêu phấn đấu, lý tưởng đào tạo và là động lực cùng tập thể sư phạm ĐH Lạc Hồng ngày càng nỗ lực trong nghiên cứu sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật cao vào hoạt động thực tiễn.
Tối nay (31/03/2014) vào lúc 20h30 Lễ trao giải hội thi “Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XII/2012-2013” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.
Quy mô hội thi: Sau hai năm triển khai, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012 - 2013) đã nhận được 552 giải pháp gửi tới từ 45 tỉnh, thành phố, bộ ngành và các cá nhân trên phạm vi toàn quốc. Các giải pháp được chia thành 6 lĩnh vực: 1. Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông: 93 giải pháp 2. Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải: 127 giải pháp 3. Vật liệu, hóa chất, năng lượng: 51 giải pháp 4. Nông lâm ngư nghiệp và môi trường: 86 giải pháp 5. Y dược: 54 giải pháp 6. Giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác: 141 giải pháp Hội đồng giám khảo (được thành lập theo quyết định số 849/QĐ-LHH ngày 4/11/2013) |
sáng tạo, khoa học, kỹ thuật, toàn quốc