Trong tuần qua, lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo khoa Cơ Điện – Điện Tử đã đón tiếp ba chuyên gia thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo đến thăm và làm việc với trường. Hai chuyên gia người Thụy Sĩ là Ông Hans Peter Widmer, Bà Iris Widmer và Ông Lê Tùng Hiếu nguyên giám đốc công ty Vinapro. Về phía nhà trường gồm có NGND TS Đỗ Hữu Tài – Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị - Hiệu Trưởng nhà trường, Ths Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu Trưởng, Ông Nguyễn Trùng Phương – Bí Thư Đảng Ủy, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Trưởng Khoa Cơ Điện – Điện Tử, Ths Phạm Văn Toản – Phó Khoa Cơ Điện – Điện Tử.
Trong gần 3 năm qua, hai ông bà Hans Peter Widmer và Iris Widmer đã thầm lặng bỏ hàng trăm ngàn USD mua máy móc, thiết bị dạy nghề cơ khí chế tạo miễn phí cho gần 50 học viên Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Họ bén duyên và gắn bó với mảnh đất Đồng Nai khi còn là những chuyên gia cơ khí chế tạo của Thụy Sĩ sang hợp tác với Công ty Vinappro (KCN Biên Hòa 1). Khi đó, Việt Nam rất hiếm thợ cơ khí chế tạo có thể đáp ứng được công việc, vì thế họ đã nảy sinh ý tưởng cải thiện điều đó.
* Học nghề được lĩnh tiền
Lớp học nghề cơ khí chế tạo của ông bà Widmer tại Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ hiện đã đào tạo 3 khóa với gần 50 học viên có cả giáo viên của trường cũng đăng ký theo học. Các học viên được đào tạo theo chương trình cơ khí chế tạo quốc tế của Thụy Sĩ, Đức và Áo do ông bà Widmer trực tiếp giảng dạy. Chẳng những được miễn học phí, mỗi học viên còn được ông bà Widmer trang bị thêm đồng phục, dụng cụ bảo hộ và lĩnh thêm 600 ngàn đồng/tháng để học viên trang trải chi phí ăn, ở.
Khác với cách dạy nghề nặng lý thuyết, ít thực hành hiện nay, ông bà Widmer dành khoảng 75% thời gian để học viên thực hành trên phần mềm máy tính. Các máy móc cũng được mang từ Thụy Sĩ, Đức, Áo qua. Bà Widmer kể: “Ngay từ đầu chúng tôi đã rèn cho học viên tính kỷ luật, đó là thói quen đúng giờ, trang bị bảo hộ lao động, tuân thủ các quy trình an toàn khi thực hành; máy cắt, gọt kim loại phải vệ sinh các dụng cụ sạch sẽ và để đúng nơi quy định sau khi hết giờ học… Đặc biệt, học viên còn được học ngoại ngữ cơ bản và ngoại ngữ chuyên ngành cơ khí”.
Sau gần 3 năm học, những học viên của ông bà Widmer giờ đã có thể vẽ và đọc bản vẽ cơ khí trên máy tính, tự chọn vật liệu đúng kỹ thuật để chế tạo các bộ phận cơ khí. Ông Widmer vui mừng cho biết: “Học viên của tôi mới chế tạo thành công được hầu hết phần cơ khí của 2 chiếc máy cắt CNC đầu tiên, một chiếc nặng 4 tấn, chiếc còn lại nặng hơn 5 tấn”.
* Tâm huyết với nghề cơ khí
Đến nay, số tiền ông bà Widmer đầu tư thiết bị máy móc, vật tư dạy nghề, chế tạo cơ khí tại Trường trung cấp cơ điện Đông Nam bộ đã lên đến 345 ngàn USD, đó là chưa kể chi phí đi lại nhiều lần từ Thụy Sĩ qua Việt Nam, thuê khách sạn, ăn uống và hỗ trợ học viên. Bà Widmer chia sẻ: “Năm 2010, chương trình đào tạo tại Việt Nam bắt đầu, ngoài vợ chồng tôi còn có 3 người con sang hỗ trợ dạy nghề cho học viên, sau phần cơ bản thì các con tôi về nước”.
“Tâm huyết, nghiêm túc và chuyên nghiệp” - là những lời nhận xét của các học viên về ông bà Widmer. Học viên Nguyễn Bá Tình (ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Ông bà Widmer như những người thầy, người bạn. Chúng tôi yên tâm với việc học, những gì họ dạy là những cái chúng tôi đang cần và thị trường lao động đang hiếm”.
Ông Ngô Bá Bang, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ, chia sẻ, khóa đào tạo nghề chế tạo cơ khí chất lượng cao của ông bà Widmer tuy chỉ có gần 50 học viên nhưng là món quà đặc biệt với trường, càng quý hơn khi trường đã gửi được một số giáo viên vào “học ké” để nâng cao trình độ, thay vì phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài rất tốn kém.
Theo ông Widmer, Việt Nam rất muốn nội địa hóa các sản phẩm cơ khí chế tạo nhưng lại mâu thuẫn với việc đào tạo ra những thợ chế tạo cơ khí giỏi, nhất là nhiều học sinh không thích lập nghiệp bằng con đường học nghề. Cần làm thay đổi tư duy về học nghề, nên quy định giáo viên dạy nghề phải có ít nhất 6 - 7 năm kinh nghiệm làm việc thực tế ở nhà máy. Cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và nhà máy, đặc biệt khắc phục việc học nghề mất cân đối giữa lý thuyết với thực hành và thiếu máy móc hiện đại.
Trong buổi làm việc TS Nguyễn Vũ Quỳnh cũng đề nghị hai ông bà Widmer giúp đỡ đào tạo tay nghề cho giáo viên và sinh viên trong khoa. Hai chuyên gia về cơ khí đã vui vẻ nhận lời và hứa lần tới khi quay lại Việt Nam sẽ huấn luyện cho các giáo viên, sinh viên lĩnh vực cơ khí chế tạo của trường Đại học Lạc Hồng nâng cao tay nghề vận hành và sửa chữa máy CNC.
Lãnh đạo nhà trường tiếp đón đoàn
Ts Nguyễn Vũ Quỳnh giới thiệu cơ sở vật chất của trường cho khách tham quan
tham quan xưởng cơ khí
Sau buổi tham quan trường Đại học Lạc Hồng của ông bà Widmer, lãnh đạo khoa Cơ Điện - Điện Tử cũng đến trường Trung Cấp Nghề Cơ Điện Đông Nam Bộ để tham quan học hỏi lớp học cơ khí do hai ông bà Widmer tài trợ.
Ông Widmer trực tiếp đứng lớp hướng dẫn cho các học viên
Hans Peter Widmer, Iris Widmer, Lê Tùng Hiếu